Cloverspa.com.vn – Bước vào tuổi dậy thì cũng là lúc bạn cần quan tâm hơn đến làn da của mình vì những “vị khách không mời” mang tên “mụn” xuất hiện đầy xấu xí. Nhiều lúc bạn chỉ muốn nặn mụn luôn nhưng sợ để lại thâm sẹo nên chưa dám. Bài viết này Cloverspa xin chia sẻ đến bạn những kiến thức để bạn có thể tự nặn mụn ở nhà mà không để lại thâm sẹo.
Những loại mụn thường xuất hiện trên da
Mụn là vấn đề da liễu thường gặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và nhận diện được hết các loại mụn trên da. Trong cùng một thời điểm, có thể trên da bạn xuất hiện cùng lúc nhiều loại mụn nhưng bạn chẳng hề hay biết. Việc đánh đồng và xử lý chúng theo cùng một cách sẽ rất nguy hiểm và có thể để lại những hậu quả khó lường. Một số loại mụn thường gặp trên da:
Mụn trứng cá
Mụn trứng cá là cách gọi chung cho hầu hết các loại mụn xuất hiện trên da. Theo các bác sĩ thẩm mỹ, 80% người ở lứa tuổi thanh thiếu niên có mụn trứng cá. Chúng xuất hiện ở mặt, lưng và ngực là phổ biến nhất.
Nguyên nhân:
- Da không được vệ sinh đúng cách, tế bào chết hoặc dầu không được loại bỏ làm tắc nghẽn nang lông.
- Thay đổi nội tiết tố, tăng hoạt động của Hormon Androgen, tuyến bã nhờn dưới da tăng tiết gây tắc nghẽn.
- Vi khuẩn xâm nhập vào nang lông gây viêm nhiễm.
Mụn trứng cá được coi là “mức độ nhẹ” nếu có tổng cộng ít hơn 30 tổn thương, trong đó dưới 15 vết sưng viêm và số lượng mụn đầu trắng hoặc đầu đen ít hơn 20. Ở mức độ này, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị bằng các loại thuốc bôi da không kê đơn. Tuy nhiên, nếu có nhiều hơn 15 vết sưng tấy bị viêm, tổng số tổn thương trên 30 thì bạn đã ở “mức độ vừa – nặng”, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để điều trị mụn hiệu quả.
Từ mụn trứng cá chia làm 2 nhóm chính:
- Nhóm mụn không viêm: Mụn đầu đen và mụn đầu trắng.
- Nhóm mụn viêm: Gồm mụn mủ, mụn bọc và mụn thịt.
Mụn đầu đen
Xuất hiện nhiều và dễ thấy nhất ở chóp mũi của bạn, ngoài ra có thể ở trán, cằm và hai bên má. Chúng là kết quả khi nang lông bị bít tắc do dầu thừa và tế bào chết đọng lại. Phần nhân mụn mở ra trên bề mặt da bị oxy hoá khiến chúng có màu đen.
Mụn đầu trắng
Xuất hiện do tuyến bã nhờn tăng tiết gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Chúng không gây sưng, đau. Nhân mụn đóng lại trên da nên sẽ khó loại bỏ hơn so với mụn đầu đen. Và bởi vậy, nếu không xử lý đúng cách, mụn đầu trắng sẽ dễ trở thành mụn viêm và gây ra các vết sẹo lõm, sẹo lồi trên da.
Mụn mủ
Bề ngoài khá giống với mụn đầu trắng, tuy nhiên chúng có thêm viền đỏ xung quanh, sưng và gây đau nhẹ. Bản chất của mụn mủ là do vi khuẩn xâm nhập vào nang lông, kích thích các tác nhân miễn dịch gây ra đáp ứng viêm. Phản ứng viêm mạnh tạo mủ. Cần rất thận trọng khi lấy, nặn mụn mủ vì dễ gây thâm hoặc để lại sẹo.
Mụn bọc
Mụn bọc dễ gây ra tâm lý tự ti cho người mắc do chúng thường có đường kính lớn hơn so với các loại mụn khác. Ban đầu chúng có thể là những nốt nhỏ, màu đỏ, sần cứng, sau đó sẽ lớn dần lên, sưng đau và có thể chứa mủ trắng hoặc vàng. Đây là tình trạng viêm nặng nhất của mụn trứng cá.
Mụn thịt
Là kết quả khi nhóm mụn không viêm (mụn đầu đen và mụn đầu trắng) không được xử lý đúng cách nên nhân mụn bị viêm. Chúng có màu đỏ hoặc hồng, chạm vào gây đau. Xuất hiện số lượng lớn mụn thịt cho thấy bạn đã mắc bệnh trứng cá ở mức độ trung bình – nặng.
Tại sao phải nặn mụn đúng cách?
Về y học, nặn mụn là quá trình lấy hết nhân mụn, bao gồm cả chất nhờn, mủ,… ra khỏi bề mặt da, từ đó khiến lỗ chân lông được thông thoáng trở lại, mang lại cảm giác dễ chịu cho người mắc. Tuy nhiên, phần lớn những người bị “mụn” ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nên hành động nặn mụn thông thường chỉ là tự phát mà theo bất kỳ một quy chuẩn nào. Điều này rất nguy hiểm, bởi lẽ:
- Việc đưa tay lên mặt một cách tự phát làm tăng khả năng vi khuẩn tiếp xúc với vùng da tổn thương, từ đó dễ biến mụn không viêm thành mụn viêm, mụn viêm lại viêm nặng hơn.
- Nặn mụn khi không hiểu về bản chất mụn cũng như cách xử lý sẽ dễ để lại hậu quả như: mụn lan rộng hơn, để lại vết thâm, sẹo trên da. Nguy hiểm hơn là có thể gây ra các trường hợp nhiễm trùng ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.
Vì vậy, cần nặn mụn đúng cách vì:
- Việc loại bỏ được hoàn toàn nhân mụn ra khỏi lỗ chân lông sẽ giúp quá trình điều trị mụn nhanh hơn, ít di chứng hơn.
- Đối với trường hợp mụn viêm, nặn mụn đúng cách sẽ tránh việc lây lan các yếu tố viêm sang vùng da lành, cũng như không để tình trạng viêm nặng nề hơn.
- Làn da sau khi loại bỏ mụn được chăm sóc đúng cách nên sớm phục hồi và hạn chế tối đa mụn tái phát.
Tổng kết lại, nặn mụn đúng cách, nghĩa là phải đảm bảo các quy định về vô khuẩn, các bước tiến hành nên sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn, đảm bảo việc loại bỏ nhân mụn được thực hiện an toàn và hiệu quả nhất, thời gian hồi phục của da nhanh nhất.
Có nên tự nặn mụn tại nhà không?
Theo khuyến cáo của các Hiệp hội Da liễu trên thế giới, việc nặn mụn được công nhận là phương pháp hữu hiệu trong quá trình điều trị mụn. Cũng phải nói thêm rằng, nhân mụn khi đã hình thành tại lỗ chân lông thì không thể tự mất đi được, do vậy việc con người tác động vật lý để đưa chúng ra khỏi da là điều hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo không nên tự ý nặn mụn tại nhà vì những lý do sau đây:
- Khi nặn mụn tại nhà, chúng ta dễ có thói quen nặn bất kể lúc nào mà không có sự chuẩn bị, do vậy thường sẽ bỏ qua các bước như: Xông hơi mặt để giúp lỗ chân lông giãn nở, tiệt khuẩn tay và dụng cụ lấy mụn trước và sau khi nặn, vệ sinh da sạch sẽ sau khi nặn mụn….
- Việc bỏ qua bước xông hơi mặt khiến lỗ chân lông kém giãn nở, nhân mụn khó thoát ra khỏi nang lông hơn. Từ đó khiến ta cố dùng một lực mạnh hơn để nặn mụn ra. Điều này khiến da dễ bị tổn thương, đồng thời tăng sắc tố da khiến dễ hình thành các vết thâm mụn kéo dài.
- Không tiệt khuẩn tay và dụng cụ lấy mụn làm tăng khả năng nhiễm trùng, từ đó mụn dễ bị viêm nặng hơn hoặc lan rộng sang vùng da lành.
- Da sau khi lấy nhân mụn không được vệ sinh sạch sẽ dễ khiến mụn tái phát trong thời gian ngắn, cũng như kéo dài thời gian da hồi phục.
Nhìn chung, chúng ta vẫn có thể tự nặn mụn tại nhà nếu nắm rõ và thực hiện đầy đủ theo quy trình nặn mụn chuẩn. Các bước trong quy trình nặn mụn chuẩn sẽ được thông tin đến các bạn ngay sau đây.
Hướng dẫn các bước nặn mụn đúng cách không để lại sẹo và thâm
- Bước 1: Lựa chọn mụn và thời điểm nặn mụn.
Mụn được chọn để “nặn” phải đủ chín, không còn sưng đau, có đầu trắng hoặc nhân mụn rõ ràng. Thời điểm thích hợp nên là buổi tối trước khi đi ngủ, bởi sau đó da của bạn sẽ có một khoảng nghỉ ngơi đủ dài để hồi phục.
- Bước 2: Làm sạch và xông hơi mặt.
Làm sạch mặt bằng các sản phẩm tẩy trang và sữa rửa mặt. Dùng một chiếc khăn bông sạch, nhúng nước ấm và ủ lên mặt khoảng 3 – 5 phút để lỗ chân lông giãn nở hoàn toàn.
- Bước 3: Tiệt trùng tay và dụng cụ nặn mụn (nếu có).
Ngoài việc rửa tay bằng cồn sạch sẽ thì móng tay cũng nên được cắt ngắn gọn gàng để tránh gây tổn thương xa. Dụng cụ nặn mụn cần hơ nóng qua lửa, để nguội rồi khử trùng lại bằng cồn và để khô. Một điểm lưu ý là nên lựa chọn dụng cụ nặn mụn có kích thước phù hợp với nốt mụn.
- Bước 4: Nặn mụn.
Dùng đầu ngón tay ấn nhẹ xung quanh mụn, dồn lực vào chân mụn để đẩy được hoàn toàn cồi mụn ra. Nếu dùng dụng cụ nặn mụn thì hãy ấn nhẹ theo chiều ngược lỗ chân lông, mụn trồi lên hết thì dùng phần đầu nhọn để đưa nó ra ngoài. Sau đó dùng bông tẩy trang hoặc khăn sạch để thấm hết lượng mủ và dịch vừa thoát ra.
Nếu khi dùng lực tác động mà nhân mụn không trồi ra và bạn cảm thấy đau thì có nghĩa đây chưa phải là thời điểm thích hợp để nặn mụn nhé.
Lưu ý là chỉ nặn mụn để lấy hết phần nhân mụn ra. Khi bạn thấy xuất hiện máu thì ngay lập tức dừng nặn để tránh để lại sẹo thâm trên da.
- Bước 5: Vệ sinh da sau nặn mụn.
Sử dụng nước muối sinh lý để tiệt khuẩn lại vùng da vừa nặn mụn. Sau đó, bạn có thể sử dụng Bacitracin – thuốc mỡ kháng sinh để thoa lên da, ngăn ngừa nhiễm trùng do lúc này các vết mụn sau khi nặn được coi là các vết thương hở.
Cuối cùng, chăm sóc da sau khi nặn mụn cũng là bước quan trọng để đảm bảo cho làn da hồi phục một cách khỏe mạnh.
Cách chăm sóc da sau khi nặn mụn
- Trước tiên, tuyệt đối không tiến hành các bước skincare bạn thường làm sau khi nặn mụn. Bởi các sản phẩm mỹ phẩm dễ gây ra tình trạng kích ứng cho các vết thương hở trên da. Sau một vài ngày, các vết thương đã liền miệng, lúc này bạn có thể dưỡng da như bình thường.
- Bạn có thể sử dụng các sản phẩm mặt nạ dưỡng ẩm có tính dịu nhẹ, giúp se khít lỗ chân lông, làm sáng da, từ đó giúp da phục hồi nhanh hơn.
- Các mỹ phẩm dưỡng da sau khi nặn mụn nên chọn loại có nguồn gốc thiên nhiên, dịu nhẹ, tránh chứa cồn hoặc có chất tẩy rửa mạnh.
- Làn da cần có thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục sau khi trị mụn. Vì vậy, ít nhất 1 tuần sau khi nặn mụn, tránh hoàn toàn các phương pháp điều trị khác trên da như: tẩy tế bào chết, triệt lông, sử dụng retinol và các sản phẩm trị mụn khác.
Cần lưu ý những gì khi nặn mụn tại nhà?
- Cần tuân thủ và đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước như đã được khuyến cáo.
- Mỗi loại mụn có một thời điểm “chín” khác nhau và vì vậy, đừng cố gắng loại bỏ tất cả mụn trên da ngay một lúc.
- Nặn mụn tại nhà là phương pháp phổ biến mà nhiều người sử dụng để loại bỏ mụn. Nhưng làm sao để nặn mụn hiệu quả, an toàn, không để lại sẹo là một quá trình đòi hỏi sự cẩn thận, đảm bảo đúng quy chuẩn. Vì vậy, nếu bạn lo lắng cho những rủi ro có thể có khi tự nặn mụn tại nhà, hãy nhờ đến sự trợ giúp của các bác sĩ da liễu.
- Ngay cả khi bạn đã tự nặn mụn tại nhà, cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ về cách chăm sóc da và các sản phẩm có thể sử dụng sau đó.
==> Xem thêm: Thuốc trị mụn Klenzit-C vũ khí diệt mụn trứng cá nhanh chóng
Những loại mụn không nên nặn
- Tuyệt đối không nặn mụn ở vùng tam giác (gồm từ sống mũi, chóp mũi đi xuống hai bên mép). Đây là vùng liên kết trực tiếp với thần kinh trung ương nên dễ gây ra tử vong nếu bị nhiễm trùng cấp.
- Mụn đầu đen: việc nặn mụn đầu đen sẽ khiến lỗ chân lông của bạn phình to hơn và bạn sẽ dễ gặp lại chúng trong thời gian ngắn, đồng thời làm tăng khả năng viêm nhiễm do vi khuẩn dễ xâm nhập hơn. Cách loại bỏ mụn đầu đen được khuyến cáo đó là sau khi xông hơi mặt, sử dụng dầu tẩy trang để kéo hết dầu nhờn nên trong lỗ chân lông ra ngoài.
- Mụn đinh râu: Loại mụn này rất độc và được xếp vào nhóm nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng. Do đó, cần đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn thuốc cũng như cách điều trị phù hợp.
- Mụn thịt: Loại mụn này thường rất nhỏ vì thế khó có thể loại bỏ được bằng cách nặn tại nhà. Phương pháp được khuyến cáo đó là tác động sâu vào bên trong da như sử dụng Laser,…
- Các loại mụn viêm như mụn mủ, mụn bọc: Dễ gây ra tình trạng nhiễm trùng khi nặn, nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết có thể gây tử vong.
Nguồn tham khảo
- Acne. (2016): niams.nih.gov/health-topics/acne
- Acne types: https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/types-of-acne
Nặn mụn xong có được bôi gì lên nốt mụn không?
Nên vệ sinh sạch vết mụn bằng nước muối sinh lí thôi nhá!